Anh/ chị hãy phân tích khổ thơ thứ 3 trong bài thơ Bên kia sông Đuống
Đề bài: Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm
Bài làm
Tác phẩm “ Bên kia sông Đuống” là một tác phẩm đặc sắc nổi tiếng của Hoàng Cầm. Bài thơ được viết vào năm 1948, khi ông đang đi công tác văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc. “ Bên kia sông Đuống” được xem là một trong những bài thơ hay nhất về tình yêu quê hương đất nước của thơ ca Việt Nam hiện đại. Khổ thơ thứ ba của bài thơ là một khổ thơ rất đặc sắc, nói lên được ý tứ của Hoàng Cầm trong bài thơ.
Bài thơ được tác giả trình bày bằng khung cảnh thanh bình của làng quê, nơi có con sông Đuống. Đây là một mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, gắn với những nét tài hoa về hội họa dân gian, hay những làng nghề thủ công tiếng, cùng những gánh hàng rong của mẹ già một đời tần tảo…. Tất cả những điều đó lại bị lũ giặc xâm lăng nhẫn tâm đánh phá, khiến cho con người ta đau đớn, quặn thắt đến tận tim gan. Nỗi đau này càng thể hiện được tình yêu của tác giả Hoàng Cầm đối với quê hương, đất nước.
Ngay từ đầu bài thơ, Hoàng Cầm đã gợi nhắc nét đẹp của con sông Đuống qua những dải cát trắng, lấp lánh, bãi mía bờ dâu, cùng với ngô khoai biêng biếc…gợi lên một hình ảnh về làng quê thanh bình. Vậy mà giờ đây chỉ còn lại một khung cảnh tan tác, tiêu điều sau bước chân của những kẻ xâm lược. Những điều đó đã khiến cho tác giả cảm thấy đau đớn, “ xót xa như rụng bàn tay” khi đứng từ bên này sông nhìn sang quê hương bên kia sông.
Bên cạnh đó, hình ảnh quê hương cũng được hiện lên trong nỗi nhớ của những người con xa quê hương:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Từ xưa đến nay, nhắc đến Bắc Ninh người ta sẽ nghĩ đến một vùng đất thuộc Kinh Bắc màu mỡ, trù phú cùng bề dày lịch sử văn hóa tốt đẹp. Quê hương của nhà thơ mỗi lần nhớ đến khiến ông có cảm giác thanh khiết, đậm đà của lúa thơm, cùng hương cốm ngọt ngào đêm trăng sáng, hay mùi xôi nếp hoa vàng thơm lừng ngày lễ tết… Những điều đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả cũng như những người con xa quê hương. Không chỉ vậy, vùng đất này còn là vùng đất của thơ ca cùng những chiến công oanh liệt chống lại quân giặc xâm lược. Đâu đó là còn vang mãi tên những anh hùng như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… đều đã lưu lại trong sử sách. Những bức tranh Đông Hồ được những con người Kinh Bắc tài hoa sáng tạo ra với nội dung vui tươi, đậm đà bản sắc cũng được lưu truyền từ lâu nay:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Theo quan niệm của người dân, đầu năm mới có tranh Đông Hồ mang đến nhà thì cả năm sẽ gặp may mắn. Đây là loại tranh mang ý nghĩa tốt đẹp với chúng ta. Nhưng chỉ không ngờ rằng, quân giặc từ đâu đến phá hoại tất cả những điều đó:
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn ra
Bây giờ tan tác về đâu.
Điều mà quân giặc tàn phá, chắc chắn không chỉ có vật chất. Mà chúng còn giết chóc, cướp bóc của người dân… Không chỉ vậy, chúng còn tàn phá những thứ mang ý nghĩa của sự sống, đem lại may mắn cho người dân là đám cưới chuột hay đàn lợn âm dương. Đây có thể được xem là tội ác lớn nhất hay không?
Bên cạnh đó, lời tho cũng như ý thơ sâu sắc, xót xa đã khiến cho âm hưởng của bài thơ trở nên xót xa, đau lòng, tựa như một tiếng kêu xé lòng vút lên giữa thinh không mà không có một lời hồi đáp.
Qua khổ thơ trên, có thể thấy được một sự thật, đó là quá khứ tươi đẹp đã bị thay thế bằng hiện thực đau thương do quân xâm lược mang lại. Chúng đã khiến cho chúng ta phải đau đớn, xót xa và hơn thế nữa là sự căm hận, phẫn nộ với những kẻ đang nhẫn tâm phá hoại quê hương, đất nước tươi đẹp.